CHÌA KHÓA THỰC HIỆN THÀNH CÔNG CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018 - "ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC" - CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC.
THAM LUẬN VỀ CÔNG TÁC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
Tại Hội nghị Cán bộ, viên chức và người lao động năm học 2022-2023
Cô giáo – Thạc sĩ: Nguyễn Thị Việt Hà - Bộ môn: Hóa học;
Giáo viên chủ nhiệm lớp 10G, trường THPT Văn Giang
Kính thưa Đoàn Chủ tịch! Thưa các đồng chí!
Lời đầu tiên cho phép tôi xin gửi tới các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc năm học 2022-2023 gặt hái được nhiều thành công rực rỡ.
Qua nghe bản báo cáo tổng kết năm học 2021 - 2022 và dự thảo báo cáo phương hướng nhiệm vụ năm học2022 - 2023 đồng chí hiệu trưởng vừa thông qua, tôi hoàn toàn đồng tình và nhất trí cao.
Với cá nhân tôi, xin có một số ý kiến tham luận về việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong nhà trường hiện nay.
Đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường hiện nay là vấn đề hết sức cần thiết để chúng ta có thể phát huy được tính chủ động sáng tạo của học sinh và theo kịp với xu thế của thời đại. Đây là yêu cầu thiết yếu đối với mỗi giáo viên trong thời đại mới đặc biệt trong công tác giảng dạy theo chương trình GDPT mới 2018. Có thể nói phương pháp dạy học trước đây đã ăn sâu vào trong suy nghĩ, trong từng trang giáo án và cả những nét chữ trên bảng đen khi tôi lên lớp. Vì vậy khi nói đến đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình mới, ban đầu tôi rất ngại, rất bối rối và băn khoăn không biết sẽ làm thế nào và bắt đầu từ đâu. Những ngày đầu đi tìm sự đổi mới trong giờ dạy của mình, mặc dù đã được tập huấn trang bị nhiều về đổi mới, tôi vẫn tự tìm đọc nhiều tài liệu và trao đổi với đồng nghiệp cùng khối về những phương pháp có thể áp dụng có hiệu quả trong các giờ dạy ở trường phổ thông. Nhưng thực sự giữa lí thuyết và thực tế từng bài học trong chương trình mới lại là cả một vấn đề khiến tôi đau đầu. Làm thế nào để vận dụng các phương pháp có hiệu quả không mang tính hình thức, làm thế nào để học sinh vừa hứng thú học tập vừa nắm được nội dung của bài học là điều tôi luôn trăn trở.
Tôi hiểu rằng kiến thức trong một giờ học là quan trọng nhưng đối với phương pháp mới thì cách tổ chức học tập cho học sinh của người giáo viên cũng là điều quan trọng không kém. Khi sử dụng phương pháp mới tôi luôn suy nghĩ lựa chọn cách tổ chức phù hợp với từng bài học. Đã có những tiết dạy tôi cảm thấy mình hơi tham nhiều kiến thức, khiến học sinh vất vả nhiều hơn, chính vì vậy tôi cũng đã thực hiện lại cách thức tổ chức và lấy học sinh làm trung tâm của giờ dạy để tự các em tìm hiểu bài trước, đọc sách trước sau đó giáo viên trao đổi và giảng dạy lại những điều các em chưa hiểu, chính vì thế giờ học hiệu quả hơn, học sinh hào hứng, thích thú hơn. Để làm được điều này, trước mỗi bài học tôi đều phát phiếu chuẩn bị bài cho các em và yêu cầu các em hoàn thành hoặc khi cho học sinh làm bài thuyết trình theo nhóm, tôi cho các em sử dụng ppt, mindmap để làm việc. Khi nhận được nhiệm vụ học sinh sẽ tự nghiên cứu, tự phân chia trong nhóm và có điều gì chưa rõ thì các em sẽ chủ động hỏi tôi và chia sẻ những điều khó khăn đó. Đến giờ học, nghe các em trình bày, tôi thực sự cảm thấy bất ngờ về khả năng sáng tạo của các em bởi các em khá tự tin trong việc trình bày phần làm việc của mình.
Trong quá trình đổi mới, tôi còn nhận được sự giúp đỡ động viên kịp thời, khích lệ, sự tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho việc dạy và học của Ban Giám Hiệu, sự đồng hành và kết hợp hài hòa của giáo viên chủ nhiệm làm cho tinh thần học sinh các lớp hứng khởi hơn. Ngoài ra tôi còn học hỏi được nhiều từ đồng nghiệp, đặc biệt là trong tổ, nhóm chuyên môn. Trong nhóm chuyên môn, chúng tôi thường xuyên trao đổi về phương pháp dạy học mới, đặc biệt là trong các buổi họp cùng nhau nghiên cứu bài học có thể trao đổi trên Zalo, meet. Mỗi người một ý kiến, một phát hiện mới mẻ đã làm cho những giờ dạy thành công hơn.
Gắn với việc đổi mới phương pháp dạy học, tôi cũng thay đổi cả cách kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh ở những bài kiểm tra thường xuyên. Để kiểm tra, giám sát việc hoàn thành phiếu chuẩn bị bài của học sinh, tôi thường thu phiếu của cả lớp hoặc một nhóm và chấm lấy điểm thường xuyên. Trong giờ học, những học sinh có ý thức chuẩn bị bài tốt, tích cực trao đổi và có những câu hỏi hay tôi thường chấm điểm để lấy điểm ĐĐGtx cho các em. Khi học sinh làm việc theo nhóm, tôi cũng có thể dựa vào kết quả làm việc nhóm và thái độ hoạt động của các em để chấm điểm cho cả nhóm. Cách kiểm tra đánh giá như vậy, tôi đã khuyến khích được các em học tập, sáng tạo và cũng giảm được phần nào áp lực học tập cho các em.
Sau gần 2 tháng dạy CT GDPT lớp 10, tôi đã tích cực thay đổi phương pháp dạy học, tôi nhận thấy: thay đổi phương pháp dạy học có nhiều khó khăn cả về phía trò và phía thầy cô giáo nhưng không phải không làm được, điều quan trọng là mình có thực sự muốn thay đổi hay không. Khi quyết tâm thay đổi phương pháp thì người giáo viên phải biết chấp nhận những vất vả, thiệt thòi và thất bại bước đầu. Có thể tiết học đầu tiên chưa được đúng ý nhưng đến những tiết học tiếp theo chắc chắn sẽ tốt hơn. Đối với tôi, một giáo viên đang tự mình dò dẫm đi tìm con đường đổi mới theo cách riêng của chính mình đối với mỗi lớp học sinh khác nhau và tiến bộ theo từng tiết dạy đó là sự thành công.
Trên đây là một số ý kiến tham luận của tôi về đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường hiện nay. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các đồng chí. Tôi tin rằng, nếu mỗi giáo viên chúng ta có mong muốn thay đổi, có nỗ lực và quyết tâm tìm ra con đường đổi mới cho chính mình thì nhất định sẽ thành công.