SỰ THAY ĐỔI CỦA GIÁO VIÊN TRƯỚC KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2025
Tham luận "Sự thay đổi của giáo viên trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025" tại Hội nghị CB,VC,NLĐ năm học 2024-2025
Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý!
Thưa toàn thể hội nghị!
Trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều thay đổi quan trọng về chương trình, về cấu trúc đề thi, về cách kiểm tra đánh giá,…đòi hỏi mỗi giáo viên cũng cần phải thích ứng và đổi mới để đáp ứng yêu cầu mới.
Tiếp tục chương trình của hội nghị, tôi xin phép đọc bản tham luận về sự thay đổi của giáo viên trước kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
1. Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy
Với sự thay đổi trong cấu trúc đề thi, đặc biệt là việc bổ sung các dạng câu hỏi mới như câu hỏi đúng/sai và câu hỏi trắc nghiệm ngắn, giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy. Việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, khuyến khích học sinh tham gia thảo luận, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề thực tiễn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết.
2. Nắm vững các thay đổi trong kỳ thi, kiến thức mới trong chương trình.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi, bao gồm việc giảm số môn thi từ 6 xuống còn 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng với 2 môn tự chọn. Điều này đòi hỏi giáo viên phải cập nhật thông tin liên tục và nắm vững cấu trúc đề thi mới để hướng dẫn học sinh một cách hiệu quả.
Trong chương trình có thêm một số kiến thức của Đại học đưa xuống, với môn Toán 12 có thể kể như phần: các số đặc trưng đo mức độ phân tán của mẫu số liệu ghép nhóm, xác suất có điều kiện, biến ngẫu nhiên rời rạc, các số đặc trưng của biến ngẫu nhiên rời rạc: kì vọng, phương sai, độ lệch chuẩn,… Những kiến thức này lần đầu tiên đưa vào chương trình phổ thông nên đòi hỏi giáo viên phải tìm hiểu kĩ hơn, nắm vững kiến thức để dạy cho học sinh được tốt hơn.
3. Chuẩn bị tài liệu giảng dạy, tăng cường kiểm tra, đánh giá thường xuyên
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, giáo viên cần chuẩn bị nguồn tài liệu cập nhật theo đúng chương trình mới, bám sát yêu cầu cần đạt của bộ môn, không dạy những nội dung đã giảm tải, những nội dung vượt quá yêu cầu. Tăng cường kiểm tra, đánh giá thường xuyên theo cấu trúc đề thi mới. Việc này không chỉ giúp học sinh làm quen với dạng thức câu hỏi mà còn giúp giáo viên đánh giá chính xác năng lực của từng học sinh, từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Trong thời gian hè tôi có tham gia một số nhóm Toán của giáo viên đã chuẩn bị tài liệu ôn tập cho từng bài theo cấu trúc mới, chuẩn bị các đề thi sau mỗi bài học, đề giữa kì, đề học kì và đề ôn thi tốt nghiệp theo các đối tượng khác nhau như bộ đề ôn thi tốt nghiệp cho học sinh khá, giỏi; bộ đề ôn thi tốt nghiệp cho học sinh trung bình, yếu.
4. Hỗ trợ tâm lý cho học sinh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn là một áp lực lớn đối với học sinh. Giáo viên cần chú trọng đến việc hỗ trợ tâm lý, tạo động lực học tập và giúp học sinh giảm bớt căng thẳng. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh phương pháp học tập, phương pháp ôn tập hiệu quả để đạt kết quả cao, từ đó tạo niềm tin cho học trò rằng dù khó khăn ở phía trước nhưng nếu cố gắng quyết tâm hết mình thì sẽ đạt được kết quả như mình mong muốn.
5. Tăng cường hợp tác với giáo viên chủ nhiệm và với phụ huynh học sinh.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên bộ môn với giáo viên chủ nhiệm và sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh là yếu tố quan trọng giúp học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi. Giáo viên cần thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của con em mình, đồng thời hướng dẫn phụ huynh cách hỗ trợ học sinh ôn tập tại nhà.
6. Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và ôn tập
Trong thời đại công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và ôn tập là rất cần thiết. Giáo viên có thể sử dụng các phần mềm học tập, ứng dụng di động và các nền tảng trực tuyến để tạo ra các bài giảng sinh động, hấp dẫn và hiệu quả hơn. Điều này không chỉ giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt mà còn giúp giáo viên quản lý và đánh giá học sinh một cách chính xác hơn.
Để ra đề kiểm tra, GV cần thành thạo cách sử dụng phần mềm trộn đề trắc nghiệm theo form mới của BGD.
Như bộ môn Toán tôi đang giảng dạy, tôi đang sử dụng phần mềm Imath. Phần mềm cho phép giáo viên sinh đề ngẫu nhiên với số lượng không hạn chế. Các câu hỏi theo 3 dạng thức: Trắc nghiệm 4 phương án, trắc nghiệm Đúng – Sai và trắc nghiệm trả lời ngắn.
Khi kiểm tra thường xuyên tôi dùng phần mềm xuất ra nhiều mã đề với cùng ma trận, các đề khi xuất ra có câu hỏi như nhau nhưng số liệu khác nhau, qua đó đảm bảo tính công bằng cho học sinh và học sinh không nhìn đáp án của nhau được.
Ngoài ra tôi vẫn cho học sinh ôn tập online bằng việc sử dụng các trang web hỗ trợ như OLM và AZOTA , qua đó giúp học sinh được củng cố được nhiều kiến thức và kĩ năng làm bài thi theo định dạng mới tốt hơn.
7. Phát triển kỹ năng mềm cho học sinh
Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm cũng là yếu tố quan trọng giúp học sinh thành công trong kỳ thi và trong cuộc sống. Giáo viên cần chú trọng đến việc phát triển các kỹ năng như tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh.
Kính thưa hội nghị!
Sự thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội để giáo viên đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy. Bằng sự nỗ lực và tâm huyết, tôi tin rằng các thầy cô trường THPT Văn Giang sẽ giúp học sinh vượt qua kỳ thi một cách thành công và đạt được những thành tựu đáng tự hào.
Trên đây, là bản tham luận của tôi về sự thay đổi của giáo viên trước kì thi tốt nghiệp THPT 2025, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các đồng chí để tôi hoàn thiện tốt hơn nữa trong công tác giảng dạy của mình. Cuối cùng, tôi xin kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc hội nghị thành công rực rỡ. Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Một số hình ảnh thầy giáo Phí Văn Quang tại hội nghị:
Tiết mục Thổi sáo của thầy giáo Phí Văn Quang tại Hội nghị
Thầy giáo Phí Văn Quang tham luận tại Hội nghị
Phí Văn Quang – Giáo viên dạy môn Toán, trường THPT Văn Giang