“VẬN ĐỘNG CỘNG ĐỒNG CÙNG THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI”
Đỗ Thị Hậu – Tổ trưởng tổ Xã hội, trường THPT Văn Giang
Thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023 của Trường THPT Văn Giang, được sự chỉ đạo của BGH, ngày 25 tháng 02 năm 2023 nhóm Địa lí đã tổ chức buổi hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp cho học sinh khối 10 trường THPT Văn Giang do cô giáo Nguyễn Thị Thanh Quý phụ trách với chủ đề 6 “Vận động cộng đồng cùng tham gia các hoạt động xã hội”. Đây là một chủ đề nằm trong chuỗi các chủ đề của HĐTN-HN đã được nhà trường chỉ đạo xây dựng và lên kế hoạch từ đầu năm học. Mục tiêu của chủ đề giúp học sinh biết cách thực hiện được các biện pháp mở rộng quan hệ, thu hút cộng đồng vào các hoạt động xã hội qua đó phát triển cho học sinh năng lực tự chủ, lòng tự trọng cùng ý chí vượt khó để đạt được mục tiêu đề ra đồng thời thể hiện được sự chủ động của bản thân trong môi trường học tập, giao tiếp khác nhau. Thông qua chủ đề này còn giúp học sinh thực hiện tốt nội quy, quy định của trường, lớp, cộng đồng.
Sự dẫn dắt của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Quý đã giúp học sinh nhận diện và kể ra được những các hoạt động xã hội ở cộng đồng. Thông qua trò chơi tiếp sức thu hút học sinh các lớp tích cực tham gia. Khi tham gia trò chơi, nhìn chung các em học sinh đã biết liệt kê được các hoạt động xã hội ở cộng đồng, đó là:
- Lao động công ích;
- Trợ giúp người già neo đơn;
- Giúp đỡ bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Hiến máu nhân đạo;
- Ung hộ học sinh nghèo vùng núi;
- Ung hộ đồng bào miền Trung bị lão lụt;
- Bảo vệ môi trường;
- Giữ gìn lối sống văn minh…
Đối tượng hướng tới là những người có hoàn cảnh khó khăn, hoặc không gian cộng đồng cần bảo vệ, giữ gìn…Người tổ chức thực hiện hoạt động là tổ chức, đoàn thể hoặc cá nhân, nhóm người. Không chỉ vậy, các em còn chia sẻ về ý nghĩa của các hoạt động đó đối với cá nhân và cộng đồng. Đối với cá nhân, khi tham gia các hoạt động xã hội là cơ hội cho các em hình thành được năng lực, kĩ năng làm việc tự chủ, kĩ năng làm việc nhóm đồng thời nâng cao giá trị của bản thân. Còn đối với cộng đồng, các hoạt động xã hội sẽ đem lại lợi ích cho mọi người, mọi nhà. Phát huy sức mạnh của các cá nhân, tổ chức xã hội trong cộng đồng và tạo cơ hội bình đẳng trong xã hội. Hiểu được ý nghĩa đó chắc chắn sẽ hình thành trong các em ngọn lửa tích cực đối với các hoạt động xã hội và mang ngọn lửa ấy đến những người xung quanh.
Tiếp nối các hoạt động của buổi học các em học sinh được thực hành xử lí tình huống. Hoạt động này giúp học sinh hình thành được kỹ năng thuyết phục người khác theo ý tưởng của bản thân. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các lớp cử đại diện bốc thăm 1 tình huống, sau đó giao các thành viên lựa chọn một bạn đại điện cho lớp lên đóng vai thực hành thuyết phục đối tượng trong tình huống thực tế.
Tình huống 1: Nhóm em rất muốn xin phép trưởng thôn cho nhóm treo băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên bức tường tại nhà văn hóa của thôn. Em sẽ thuyết phục trưởng thôn như thế nào?
Tình huống 2: Nhóm em chuẩn bị thực hiện chương trình “Hỗ trợ Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, nhóm mong muốn thuyết phục được Hội Phụ nữ xã cùng tham gia. Em hãy cùng nhóm thuyết phục để Hội Phụ nữ xã đồng ý tham gia.
Tình huống 3: Con sông chảy qua địa phương em bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải, làm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường. Em hãy thuyết phục các doanh nghiệp đóng tại địa phương ủng hộ kinh phí để thu gom rác thải trên sông đó.
Với 3 tình huống được đưa ra các lớp cử đại diện trực tiếp ứng xử trên sân khấu với các giải thích hợp lí và thuyết phục. Điều này cho thấy các em học sinh đều hiểu rằng để thuyết phục cộng đồng tham gia hoạt động xã hội thì vấn đề đầu tiên các em cần làm được là phải giải thích rõ mục đích, ý nghĩa của hoạt động xã hội. Việc thuyết phục cộng đồng có thể thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng. Khi thuyết phục luôn phải có thái độ niềm nở, năng lượng, tích cực, lễ phép, lịch sự. Trước câu trả lời và cách xử lí của học sinh, giáo viên phụ trách cùng các giáo viên tham dự buổi học cảm thấy hài lòng và vui mừng vì các em đã biết thể hiện quan điểm, ý tưởng theo cách riêng của mình một cách chủ động, sáng tạo. Cuối cùng giáo viên đã nhấn mạnh để các hoạt động xã hội được duy trì giúp xã hội phát triển bền vững thì mỗi cá nhân cần thường xuyên tham gia hoạt động xã hội. Mỗi cá nhân đều có thể tham gia hoạt động xã hội với những công việc và vai trò khác nhau.
Kết thúc buổi học, cô giáo kết luận về hoạt động xã hội là hoạt động có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng và xã hội, đồng thời mang lại cho mỗi cá nhân rất nhiều lợi ích, vì vậy cần duy trì các hoạt động xã hội để cộng đồng phát triển bền vững. Hãy tham gia hoạt động cộng đồng vừa sức để hoàn thiện phẩm chất và năng lực của bản thân, đồng thời có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững của xã hội. Buổi học nhận được sự đánh giá cao từ các thầy cô giáo trong nhóm, Ban chuyên môn của Nhà trường.
Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi học: