NGUYẾN DU – KHÚC VUI XIN LẠI SO DÂY CÙNG NGƯỜI
Đào Thị Lan Hương – Giáo viên môn Ngữ Văn, trường THPT Văn Giang
Nằm trong chuỗi các hoạt động giáo dục của Tổ chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ năm học 2023- 2024 của Trường THPT Văn Giang, ngày 18/3/2024 tổ Ngữ văn tổ chức hoạt động giáo dục “Nguyễn Du – khúc vui xin lại so dây cùng Người”. Đến dự với buổi hoạt động có thầy Lê Khánh Chiến–Phó Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường; thầy Đào Quang Bình-Chi uỷ viên, Phó Hiệu trưởng; thầy Đặng Hữu Cảnh - Phó Hiệu trường; cô Tô Thị Hồng Vân-Tổ trưởng tổ Ngữ văn cùng toàn thể các cô giáo của tổ Ngữ văn Trường THPT Văn Giang. Đặc biệt là sự tham gia của học sinh khối 11 của trường THPT Văn Giang.
Với tinh thần đến hiện đại từ truyền thống, ngày hôm nay, bên cạnh việc xây dựng một quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc, chúng ta chúng cũng đang nỗ lực xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những giá trị văn hoá, văn học của cha ông trong quá khứ đã và đang được tôn vinh. Bởi vì chúng ta hiểu rất rõ một quy luật: cần phải hiểu được một cách sâu sắc truyền thống của dân tộc để trên cơ sở đó xây dựng những giá trị tinh thần cao đẹp của con người Việt Nam trong thời đại mới. Và đó cũng là lí do hôm nay chúng ta tổ chức buổi hội thảo “Nguyễn Du- khúc vui xin lại so dây cùng Người”. Đó là lời phát biểu của cô Tô Thị Hồng Vân – tổ trưởng tổ Ngữ văn về lý do của buổi hoạt động của Tổ. Trong bài phát biểu của mình cô khẳng định: Nguyễn Du sinh ra ở một thời kì xã hội phong kiến đầy bão tố nhưng điều đáng quý là sinh ra trong giai cấp quý tộc nhưng ông không đứng về phía giai cấp quý tộc mà đứng về phía những con người cùng khổ. Nguyễn Du không chỉ là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới mà còn là một nhà nhân đạo lớn; Nguyễn Du vốn đã vĩ đại nhưng ông trở lên vĩ đại hơn khi tiếng khóc thương cho số phận con người của ông được cả nhân loại thấu hiểu; “Truyện Kiều” không chỉ là kiệt tác của Nguyễn Du mà còn là kiệt tác của văn học Việt Nam. Cũng ở bài viết của mình cô nhấn mạnh: Làm nên một thiên tài Nguyễn Du có sự ảnh hưởng không nhỏ của yếu tố gia đình, dòng họ - Nguyễn Du xuất thân trong một gia đình quý tộc, một dòng họ lừng lẫy danh tiếng. Vì thế vai trò của truyền thống gia đình, quê hương, dòng họ đến sự hình thành và phát triển nhân cách của một con người. Ngày hôm nay chúng ta có một may mắn được sống trong một xã hội tốt đẹp, được học tập dưới mái trường hạnh phúc mang tên “Trường THPT Văn Giang”, những buồn thương trong quá khứ đã tan biến để chúng ta hôm nay hát khúc ca vui ca ngợi mùa xuân, ca ngợi cuộc đời, ca ngợi đất nước.
Bài phát biểu sâu sắc và lắng đọng của cô Tô Thị Hồng Vân đã khái quát trọn vẹn những giá trị nhân văn, nhân đạo trong cuộc đời, sự nghiệp của Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Du, buổi ngoại khoá đưa người xem đến một không gian đầy tính nghệ thuật bằng các sản phẩm của các bạn học sinh khối 11: bài hát “ Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” do bạn Cẩm Tú và cô giáo Đỗ Thị Oanh trình bày; Phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du do các bạn HS lớp 11D thực hiện; Những sản phẩm hội hoạ tái hiện lại “Truyện Kiều” đến từ những “hoạ sĩ” của các lớp 11K, 11M, 11N, 11P; các bạn lớp 11B đem đến buổi hoạt động ngoại khoá đoạn phim “Long thành cầm giả ca” – bộ phim nhựa của đạo diễn Đào Bá Sơn, bộ phim dựa theo ý tưởng của bài thơ “Long thành cầm giả ca” của Nguyễn Du; Hai bạn Nguyễn Thuỳ Dương và Chu Thị Ngọc Ánh lớp 11P cung cấp cho buổi ngoại khoá những kiến thức về “Sự sáng tạo của Nguyễn Du so với “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) và “ Giá trị nhân đạo trong những sáng tác của Nguyễn Du” qua bài nghiên cứu của mình…Qua những sản phẩm của các em học sinh, buổi ngoại khoá đưa người dự trở về một thời kì xã hội phong kiến suy tàn, khi quyền sống của con người bị chà đạp nghiêm trọng bởi chiến tranh, loạn lạc và những chính sách thống trị hà khắc của chính quyền phong kiến. Qua những sản phẩm đó, người xem như được chứng kiến cuộc đời của một nàng Kiều tài sắc vẹn toàn nhưng phải sống cuộc đời mười lăm năm chìm nổi “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Những tác phẩm nghệ thuật của các em học sinh khối 11 còn cho buổi ngoại khoá thấy một con người Nguyễn Du khao khát sự nghiệp vẫy vùng thoả chí lớn, rút cuộc phải chấp nhận một cuộc đời triền miên buồn chán, không có một hoạt động say sưa và nhất quán vì lí tưởng nào cả. Và trên hết các sản phẩm đó giúp người xem như hoà vào trái tim nhân đạo vĩ đại của Nguyễn Du dành cho mọi kiếp người:
“Trái tim lớn giữa thiên nhiên
Tình yêu nối nhịp suốt nghìn năm xa” (Vương Trọng)
Không chỉ vậy, qua buổi ngoại khoá, các bạn học sinh khối 11 đã chứng tỏ được rất nhiều năng lực của mình như: năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác…Đó là khi các em trở thành người dẫn chương trình chuyên nghiệp và duyên dáng. Đó là khi các em vẽ những bức tranh về “Truyện Kiều” như những nhà hoạ sĩ tài năng. Đó là khi các em trở thành các “kĩ sư tin học” với một bộ phim tư liệu đầy tự hào và xúc động về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du. Như những ca sĩ chuyên nghiệp khi các em hát những bài hát về quê hương Nguyễn Du, về hình thức âm nhạc mà Nguyễn Du vô cùng yêu thích – ca trù. Như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp và tài năng khi thuyết minh những bức tranh theo tiến trình của “Truyền Kiều”. Em Nguyễn Thuỳ Dương và em Chu Thị Ngọc Ánh thì trở thành “những nhà nghiên cứu khoa học” với bài nghiên cứu tâm huyết của mình.
Maria Montessori một bác sĩ người Ý đã từng nói “Không thể dạy trẻ hình thành tính cách. Nó đến từ trải nghiệm chứ không phải giải thích”. Hoạt động giáo dục của tổ Ngữ văn là một sự “trải nghiệm” với học sinh. Hoạt động này hướng tới hình thành những phẩm chất, năng lực cho học sinh- mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà ngành Giáo dục cả nước đang nỗ lực hướng tới. Hoạt động này không chỉ phát huy những năng lực cần có cho các em mà còn nhằm tôn vinh giá trị to lớn của “Truyện Kiều” nói riêng và các tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du nói chung, khơi dậy và bồi đắp suối nguồn tình yêu văn học cho thế hệ học sinh ngày nay. Đồng thời, qua đó cho thế hệ học sinh ngày nay hiểu về những số phận khổ đau trong sáng tác của Nguyễn Du càng thấu hiểu một cách sâu sắc về bản chất bất công tàn bạo của xã hội phong kiến đương thời. Từ đó cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao mà xã hội mới đã đem đến cho chúng ta. Thế hệ học sinh ngày nay còn rút ra những bài học đạo lí sâu sắc: bài học về chữ hiếu, chữ tình, bài học về lòng yêu thương những con người khốn khó, về tinh thần căm ghét cái xấu, cái ác, biết đồng tình trước ước mơ khát vọng cao đẹp, biết đấu tranh cho tự do và công lí của xã hội.
Thêm một số hình ảnh tại chương trình: